Hướng Dẫn Sử Dụng Slicer Trong Excel
Đối với những người thường xuyên phải làm báo cáo, tổng hợp dữ liệu thì việc lọc theo điều kiện là một điều không thể tránh khỏi. Với trường hợp dữ liệu lớn và thường xuyên được cập nhật, thay đổi thì làm cách nào để có thể lọc một cách tối ưu nhất? Hôm nay các bạn hãy cùng mình tìm hiểu cách sử dụng tính năng Slicer trong Excel nhé.
Video hướng dẫn
Hướng dẫn thực hành
Sau khi đã có dữ liệu, điều trước tiên các bạn cần làm là tạo dữ liệu đó thành một bảng thống nhất. Việc tạo bảng có mục đích nếu sau này các bạn có chỉnh sửa thay đổi hay thêm mới dữ liệu thì bảng sẽ tự động cập nhật theo. Đầu tiên các bạn chọn một ô bất kì trong vùng dữ liệu rồi ở thẻ Insert chọn Table.
Lúc này thì sẽ có một hộp thoại hiện lên xác nhận vùng dữ liệu của bạn. Các bạn lưu ý nhớ ấn chọn vào My table has headers để hệ thống hiểu rằng vùng dữ liệu của các bạn bao gồm một thanh tiêu đề ở hàng đầu tiên. Sau khi kiểm tra mọi thứ đã đúng thì các bạn ấn nút OK bên dưới để tạo bảng.
Sau khi bảng được tạo mới thì các bạn có thể thay đổi tên của bảng ở mục Table Name ở phía trên bên phải. Điều này giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc phân biệt khi làm việc với nhiều bảng khác nhau.
Để trang trí cho bảng dữ liệu của chúng ta đẹp hơn thì các bạn có thể áp dụng ngay một số định dạng được hệ thống gợi ý sẵn ở nhóm lệnh Table Styles trong thẻ Table Design.
Sau khi đã hoàn thành việc tạo và định dạng cho bảng dữ liệu thì chúng ta sẽ tiến hành tạo slicer. Thao tác này cực kì đơn giản, để tạo một slicer mới ở thẻ Insert các bạn ấn chọn Slicer.
Ở hộp thoại Insert Slicers hiện lên, các bạn sẽ thấy các tiêu đề trong bảng dữ liệu ban đầu. Nếu muốn lọc dữ liệu trong bảng theo mục nào thì các bạn hãy ấn chọn mục đó, lưu ý là không giới hạn số lượng slicer được tạo nhé. Sau khi chọn xong các bạn ấn nút bên dưới OK để tạo mới.
Đối với một slicer thì chúng ta cũng có một số tùy chỉnh để cho thuận tiện và tăng tính thẫm mĩ hơn. Để định dạng đầu tiên các bạn ấn chọn vào slicer. Ở nhóm lệnh Buttons lần lượt có 3 mục là Columns (tùy chỉnh số lượng cột trong slicer), Height (chiều cao của nút trong slicer) và Width (chiều dài của nút trong slicer. Còn ở nhóm lệnh Size thì chúng ta có thể tùy chỉnh chiều cao và chiều dài của slicer bằng cách thay đổi thông số của mục Height và Width.
Sau khi đã có slicer, các bạn có thể dùng chuột để chọn các lựa chọn trong slicer đó. Ngay lập tức, bảng dữ liệu của chúng ta sẽ tự động thay đổi dựa trên lựa chọn của các bạn. Nếu có nhiều slicer khác nhau thì các bạn cũng có thể chọn nhiều điều kiện để lọc dữ liệu trong bảng dựa trên các lựa chọn trong các slicer đó.
Trong trường hợp trong một slicer, nếu các bạn muốn chọn thêm một lựa chọn thứ hai thì đơn giản chỉ cần giữ phím Ctrl trên bàn phím rồi chọn lựa chọn mới thôi.
Để xóa bộ lọc hiện tại, các bạn ấn vào biểu tượng chiếc phễu ở góc trên bên phải của slicer. Lúc này slicer của chúng ta sẽ được thiết lập lại như ban đầu.
Ngoài ra, slicer còn rất hữu ích khi sử dụng chung với tính năng Pivot Table. Mình đã có một bài viết chi tiết về chủ đề này, các bạn có thể xem thêm tại đây.
CHO ĐIỂM BÀI VIẾT NÀY