Tự Học Power BI: Tạo Dashboard Quản Lý Bán Hàng (Phần 1)

Cập nhật mới nhất ngày 30 tháng 06 năm 2022: Trong bài viết hôm nay mình sẽ hướng dẫn các bạn cách tạo Dashboard quản lý bán hàng với Power BI thông qua dữ liệu được trích xuất từ Excel. Sau khi đọc xong bài viết này bạn sẽ có thể tự làm một Dashboard để theo dõi doanh thu, lợi nhuận của cửa hàng theo ngày, theo tháng hoặc năm, dễ dàng kiểm kê những mặt hàng nào bán chạy nhất với bộ lọc thông minh của Power BI.

Giới thiệu dữ liệu

Bạn tải file thực hành tại đây.

Mình đã có sẵn một file Excel chứa đầy đủ dữ liệu để các bạn có thể thực hành, bên trong file Excel sẽ bao gồm ba sheet: danh sách các tỉnh, danh sách cửa hàng và kết quả kinh doanh.

ba sheet excel

Sheet đầu tiên là danh sách các tỉnh có các khu vực như North, South, Central ứng với 63 tỉnh thành của nước ta, tại mỗi tỉnh thành mình sẽ có một kinh độ và vĩ độ tương ứng có tác dụng dùng để vẽ biểu đồ trên map.

danh sách các tỉnh

Sheet thứ hai là danh sách các cửa hàng mình đã chuẩn bị khoảng 6000 cửa hàng để làm số liệu cho các bạn, ứng với mỗi cửa hàng sẽ là một tỉnh thành.

danh sách cửa hàng

Sheet cuối cùng là kết quả kinh doanh đây là sheet mà mình sẽ nhập số liệu hằng ngày cho từng cửa hàng ứng với doanh thu và chi phí của ngày đó. Khi bạn cập nhật dữ liệu tại sheet này thì các Dashboard của Power BI cũng sẽ được cập nhật.

kết quả doanh thu


Khái niệm Power BI

Power BI là phương pháp phân tích kinh doanh cho phép bạn trực quan hóa dữ liệu. Đồng thời, giúp bạn chia sẻ thông tin một cách chi tiết về doanh nghiệp của bạn hoặc nhúng vào các ứng dụng hoặc trang web. Từ đó, sẽ giúp bạn phân tích dữ liệu một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Hiện nay, ứng dụng này ngày càng sử dụng nhiều ở nhiều công ty, tổ chức Việt Nam. 

Phương pháp tự học Power BI

Để có thể tự học Power BI một cách hiệu quả, bạn cần tìm hiểu về công cụ Power BI gồm các thành phần sau:

  • Power BI Desktop: là phần mềm ứng dụng dùng trên máy tính.
  • Power BI Service: Là dịch vụ SaaS giúp hỗ trợ trực tuyến.
  • Power BI mobile: Là phiên bản dùng trên điện thoại di động với hệ điều hành IOS và Android.

Lưu ý: Power BI Desktop chỉ có bộ cài chỉ dành cho hệ điều hành Windows. Còn đối với máy tính chạy hệ điều hành MAC thì không thể sử dụng được.

Import Dữ Liệu Vào Power BI

Điều cần làm đầu tiên là bạn sẽ import file Excel chứa dữ liệu của mình vào Power BI, cách làm là chọn vào thẻ Home Power BI sau đó chọn vào biểu tượng Excel lúc này ở cửa sổ Open bạn sẽ trỏ đến nơi lưu file Excel, hoàn tất chọn Open.

cửa sổ open

Một cửa sổ Navigator sẽ hiện ra chứa các sheet của file Excel, bạn cần tích chọn tất cả để đảm bảo rằng các dữ liệu điều được import. Chọn vào Load nếu không muốn thay đổi gì thêm, chọn vào Transform Data nếu muốn chỉnh sửa dữ liệu lại nhé (mình sẽ thực hiện chỉnh sửa lại dữ liệu nên sẽ chọn là Transform Data).

chọn dữ liệu

Ở cửa sổ Power Query Editor tại sheet KQ kinh doanh mình sẽ tính thêm một cột lợi nhuận bằng cách chọn vào Add Column, chọn tiếp Custom Column.

add column

Đặt tên cho cột là Lợi Nhuận ở New column name, tại Custom column formula bạn sẽ nhập công thức tính lợi nhuận (doanh thu trừ đi chi phí) bằng cách chọn vào Doanh Thu ở Available columns, chọn tiếp Insert để chèn vào, sử dụng toán tử trừ sau đó chọn tiếp Chi Phí và Insert, hoàn tất chọn OK (tham khảo hình).

cột lợi nhuận

Thay đổi định dạng của cột Lợi Nhuận thành Whole Number để có thể thực hiện việc tính toán sau này.

thay đổi định dạng

Trong vùng dữ liệu vẫn tồn tại các cửa hàng có doanh thu là 0 tức là chưa kinh doanh. Mình sẽ loại bỏ các cửa hàng này bằng cách chọn vào biểu tượng filter, chọn vào number filter cuối cùng chọn Greater Than.

number filter

Bạn sẽ nhập giá trị 0 tại cửa sổ Filter Rows, tức là mình chỉ giữ lại những cái cửa hàng có doanh thu lớn hơn 0, hoàn tất chọn OK.

chưa kinh doanh

Bạn có thể thêm nhiều cột với bất kỳ công thức nào đều được chấp nhận trong Power BI nhé, sau khi hoàn tất việc kiểm tra các dữ liệu bạn vào thẻ Home chọn Close & Apply để lưu tùy chọn.

dòng là lưu

Mình sẽ giải thích về relation ở thẻ Module để các bạn có thể hiểu rõ cách hoạt động của các Dashboard sau này. Mình có ba table ở thẻ Module được nối với nhau bằng các đường mũi tên, các đường này gọi là relation thể hiện mối liên kết giữa hai hay nhiều table với nhau. Có thể hiểu nôm na là khi bạn thay đổi một thuộc tính của một table nào đó thì các table liên quan cũng sẽ thay đổi theo.

các liên kết

Tạo DashBoard

Đầu tiên mình sẽ tạo một shape và một text để hiển thị tên của Dashboard, bạn vào thẻ Insert chọn Shapes và chọn vào hình Rectangle.

hình chữ nhật

Bạn có thể đổi màu của Shape bằng cách chọn vào Shape và click chuột trái, sẽ hiện ra cửa sổ Format Shape sau khi click. Bạn chọn vào mục Fill sau đó chọn Fill color để đổi màu cho Shape nhé.

format shape

Tiếp tục vào thẻ Insert chọn vào Textbox để tạo tên cho Dashboard, bạn có thể thay đổi kích thước và font chữ cho phù hợp với ý thích của bản thân nhé (có thể tham khảo hình dưới).

tạo tên dữ liệu

Tiếp theo mình sẽ tạo ra bốn Slicer tương ứng với bộ lọc theo tỉnh, theo khu vực, mã cửa hàng và phạm vi thời gian. Bạn cần để ý cửa sổ có tên là Visualizations sau đó chọn vào biểu tượng có tên là Slicer để thực hiện việc tạo (tham khảo hình).

chọn bộ lọc

Sau khi đã thực hiện việc tạo Slicer hoàn tất bạn cần chọn vào mục Khu vực ở sheet DS Các Tỉnh, giữ chuột trái và kéo vào Slicer để có được một bộ lọc theo khu vực.

kéo khu vực

Bạn có thể tùy chỉnh Slicer theo ý của bản thân hoặc tham khảo theo mình nhé. Đầu tiên bạn sẽ thay đổi kiểu lọc của Slicer thành Dropdown điều này sẽ tiết kiệm một không gian đáng kể khi thao tác sau này. Tiếp theo vào thẻ Format ở cửa sổ Visualizations, chọn vào Slicer header lần lượt thay đổi Background, Text size và Font family (tham khảo hình dưới để rõ hơn).

định dang tiêu đề

Thay đổi màu của Dropdown tại mục Items với Font color màu trắng và Background là màu xám.

định dạng bộ lọc

Thực hiện copy đối với Slicer vừa tạo bằng cách ấn tổ hợp phím Ctrl + C, dán Slicer với tổ hợp phím Ctrl + V. Tại thẻ Field ở cửa sổ Visualizations bạn sẽ bỏ chọn trường khu vực và thay thế lần lượt thành các trường đã được đề cập ở trên (tỉnh, mã cửa hàng và phạm vi thời gian).

thay đổi tỉnh

Thực hiện tương tự cho hai Slicer còn lại nhé. Một lưu ý nhỏ là bạn nên sử dụng các phím mũi tên để di chuyển Slicer, điều này sẽ giúp cho các Slicer được căn chỉnh chính xác theo ý của bạn.

các slicer

Mình sẽ tạm kết phần một của bài học hướng dẫn tạo Dashboard trong Power BI tại đây, ở phần một này mình đã giúp các bạn làm quen với một vùng dữ liệu khổng lồ trong Excel và cách để chuyển dữ liệu khổng lồ ấy vào trong Power BI. Ở phần hai mình sẽ hướng dẫn các bạn quản lý cửa hàng của mình một cách trực quan và đơn giản nhất mà ai cũng làm được.

>> Tự Học Power BI: Tạo Dashboard Quản Lý Bán Hàng (Phần 2)

Video hướng dẫn

 

CHO ĐIỂM BÀI VIẾT NÀY

vote data

DMCA.com Protection Status

0989.717.035
ZALO CHAT